MỤC LỤC
Giới thiệu:
Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC (Phiên bản Trắng) năm 2006 được dùng rộng rãi trong lĩnh vực Tư vấn ở quốc tế cũng như ở Việt Nam. Sau 11 năm áp dụng, Ban soạn thảo của FIDIC đã cập nhật các phản hồi và các ý kiến của các bên áp dụng để đưa vào phiên bản mới nhất tháng 4 năm 2017. Phiên bản này là phiên bản lần thứ 5. Cùng với việc phát hành phiên bản mới này, FIDIC cũng phát hành phiên bản mới lần thứ 2 đối với mẫu hợp đồng Tư vấn phụ có nhiều điểm chung so với phiên bản Mẫu hợp đồng dịch vụ Tư vấn mới. Trong phiên bản lần thứ 5 này, FIDIC đã có một số thay đổi quan trọng so với phiên bản cũ năm 2006. Những thay đổi này là thay đổi đáng kể so với các phiên bản trước.
Thống nhất một số định nghĩa sử dụng trong bài viết này:
Tên tiếng Anh của nguyên bản tài liệu là Client/Consultant Model Services Agreement (the White Book). Trong bài viết sử dụng là Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn (Phiên bản Trắng) hoặc Thỏa thuận dịch vụ mẫu giữa Khách hàng/ Nhà tư vấn của FIDIC (Phiên bản “Quyển sách Trắng). Tuy nhiên tôi thấy sử dụng cụm từ “Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn giữa Khách hàng/ Nhà tư vấn” hoặc “Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC” sẽ dễ hiểu hơn.
Các phiên bản Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC giữa Khách hàng/ Nhà tư vấn theo thời gian:
- Phiên bản 1: năm 1990
- Các phiên bản cập nhật: các năm 1992, 1995, 1998.
- Phiên bản 3: 1998
- Phiên bản 4: 2006
- Phiên bản 5: 2017.
Như vậy từ phiên bản 3 đến phiên bản 4 thời gian thay đổi, cập nhật là 8 năm, từ phiên bản 4 đến phiên bản 5 thời gian cập nhật là 11 năm.
Một số điểm đáng chú ý trong Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC phiên bản 5, năm 2017
Cấu trúc Mẫu hợp đồng dịch vụ tư vấn phiên bản 5 xuất bản năm 2017 gồm các phần sau:
Mẫu Thoản thuận Hợp đồng
Điều kiện riêng
Các Phụ lục:
- Phụ lục 1: Phạm vi dịch vụ
- Phụ lục 2: Nhân lực, Thiết bị, Phương tiện và dịch vụ của bên khác được Khách hàng cung cấp.
- Phụ lục 3: Chi phí dịch vụ và Thanh toán
- Phụ lục 4: Kế hoạch thực hiện
- Phụ lục 5: Quy tắc phân xử
Điều kiện chung
So với phiên bản 4, xuất bản năm 2006, tại phiên bản Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC 2017 này, ngoài những thay đổi cụ thể trong từng phần, có thêm một phần hoàn toàn mới là Phụ lục 5: Quy tắc phân xử.
Một số thay đổi so với phiên bản Mẫu hợp đồng dịch vụ tư vấn phiên bản 4 xuất bản năm 2006:
– Phiên bản 4, năm 2006:
- Điều kiện chung: 12 trang
- Điều 1 (Điều khoản chung) ÷ 8 (Xung đột và Trọng tài)
– Phiên bản 5 Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC, năm 2017:
- Điều kiện chung: 24 trang (số trang nhiều gấp đôi, nội dung nhiều hơn)
- Điều 1 (Điều khoản chung) ÷ 10 (Xung đột và Trọng tài)
– Thuật ngữ: sử dụng nhiều thuật ngữ mới. Một số khái niệm sử dụng tương đồng với khái niệm dùng tại các phiên bản Sách Đỏ, Sách Vàng, Sách Hồng, Sách Bạc khác.
Tinh thần Thiện chí: Good Faith
Trách nhiệm mới được đưa vào cho các bên tham gia hợp đồng là Thiện chí và Tin tưởng lẫn nhau. Ý nghĩa và ảnh hưởng của điều này đến việc xử lý sẽ khác nhau ở những thể chế khác nhau.
Chi tiết tại mục 1.16 như sau: Trong mọi giao dịch theo Hợp đồng, Khách hàng và Đơn vị Tư vấn phải hành động bằng thiện chí và trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau.
Nghĩa vụ của Đơn vị Tư vấn, kỹ sư tư vấn:
– Phiên bản 4 của Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC , năm 2006 nêu về trách nhiệm của Tư vấn như sau:
“… Đơn vị Tư vấn không có trách nhiệm nào khác ngoài việc phải đảm bảo thực hành kỹ năng hợp lý, sự cẩn trọng và tận tụy khi thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng.”
– Phiên bản 5, năm 2017 quy định nghĩa vụ của Tư vấn có thay đổi như sau:
“… Trong việc thực hiện dịch vụ theo Hợp đồng, đơn vị Tư vấn không có trách nhiệm nào khác ngoài việc phải đảm bảo thực hành kỹ năng hợp lý, sự cẩn trọng và tận tụy vốn được trông đợi từ một đơn vị Tư vấn có kinh nghiệm trong việc cung cấp những dịch vụ như vậy cho các dự án có quy mô, tính chất và độ phức tạp tương tự.”
Điều khoản mới này được phát triển trên thực tế là với quy định trong phiên bản 2006, đơn vị Tư vấn có thể sử dụng “thực hành kỹ năng hợp lý, sự cẩn trọng và tận tụy” nhưng trong một số trường hợp, đơn vị Tư vấn lại không đảm bảo có những kỹ năng cần thiết để xử lý công việc. Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, điều này cũng không làm ảnh hưởng đáng kể đến việc thêm nghĩa vụ của đơn vị Tư vấn so với phiên bản 2006.
Các quy định liên quan cũng xuất hiện bao gồm Nghĩa vụ phù hợp với mục đích, yêu cầu đơn vị Tư vấn thực hiện dịch vụ trên quan điểm đáp ứng bất cứ chức năng hay mục đích đã được mô tả trong phần “Phạm vi Công việc”. Tuy nhiên nghĩa vụ này được diễn đạt là chỉ áp dụng đối với mức độ có thể đạt được nhưng không làm tăng trách nhiệm của Tư vấn khi thực hành công việc với kỹ năng và sự cẩn trọng. Do vậy nó cũng không làm tăng tiêu chuẩn yêu cầu đối với đơn vị Tư vấn.
Xem thêm về Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC) tại đây.
Dựa trên những thông tin được cung cấp:
Tại phiên bản mới này, Khách hàng (Bên A) có thêm nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin cung cấp cho Tư vấn. (2.1.2).
Tư vấn, với trách nhiệm như đã nói ở trên cũng phải kiểm tra lại tính chính xác của các thông tin khách hàng cung cấp và thông báo lại kịp thời nếu có những sai sót về thông tin cho Khách hàng.
Quy định về Quản lý Xây dựng: (3.9)
Phần này hoàn toàn mới của phiên bản 2017.
Những quy định này được thiết kế để áp dụng trong những trường hợp Tư vấn cung cấp các dịch vụ quản lý xây dựng liên quan đến các công trình vật chất vật lý được xây dựng theo một hợp đồng xây dựng khác.
Phần này, quy định rất rõ ràng về mức độ trách nhiệm của Tư vấn đối với các bên khác như Nhà thầu, Chủ đầu tư.
“…Nhà tư vấn không phải chịu trách nhiệm với Khách hàng về việc thực hiện Hợp đồng Xây dựng của Nhà thầu. Trong khi thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng Xây dựng, Nhà tư vấn chỉ phải chịu trách nhiệm với Khách hàng nếu Nhà tư vấn vi phạm Hợp đồng. Tới chừng mực nào đó mà luật áp dụng cho phép Khách hàng phải bồi thường cho Nhà tư vấn đối với bất kỳ và tất cả các khiếu nại của nhà thầu đối với Nhà tư vấn phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng Xây dựng.
Nhà tư vấn không phải chịu trách nhiệm với Khách hàng hoặc nhà thầu về các phương tiện, kỹ thuật, phương pháp hoặc trình tự với bất kỳ khía cạnh nào của Hợp đồng Xây dựng hoặc sự an toàn và đầy đủ của bất kỳ hoạt động nào của nhà thầu.”
Sự kiện bất thường (ngoại lệ)
Có quy định chi tiết về sự kiện bất thường trong Điều kiện Hợp đồng để giải quyết các việc liên quan đến nội dung Bất khả kháng giống như trong các Mẫu hợp đồng về thi công xây lắp của FIDIC.
Chấm dứt hợp đồng:
Tại phiên bản mới 2017 điều 6 quy định rõ, chi tiết các tình huống chấm dứt hợp đồng tư vấn. Khách hàng không được trao quyền chấm dứt vì sự tiện lợi cho mình để tự thực hiện công việc hoặc giao lại cho bên thứ 3 thực hiện.
Quy định rõ hơn tại 6.5.1 “…Nhà tư vấn phải được thanh toán cho các Dịch vụ đã thực hiện theo Hợp đồng cho đến thời điểm chấm dứt Hợp đồng.”
So với phiên bản 2017, phiên bản 2006 quy định điều này không cụ thể, rõ ràng.
Kết luận:
Việc phân bổ, chia sẻ rủi ro giữa các bên trong phiên bản mới này tương tự như tại phiên bản 2006. Tuy nhiên về cấu trúc, mức độ chi tiết và xử lý các tình huống thông thường hay gặp trong việc quản lý hợp đồng Tư vấn/Chủ đầu tư được cụ thể hóa và theo hướng để thực hiện được.
Ghi chú về bản dịch bản quyền tiếng Việt:
Bản dịch tiếng Việt Mẫu Hợp đồng dịch vụ tư vấn FIDIC như trên hình với tên đầy đủ là “Thỏa thuận (Hợp đồng) dịch vụ mẫu giữa Khách hàng/ Nhà tư vấn” đã được Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam xuất bản, phát hành và quản lý Bản quyền từ năm 2017. Đây có thể xem như là bản dịch sang ngôn ngữ khác (ngoài tiếng Anh) của tài liệu này sớm nhất lúc đó.
5 comments
Cho mình hỏi có bản word của hợp đồng này ko
Các bạn có thể tìm mua tại Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) nhé.
Ad cho mình hỏi có thể tìm mua bản tiếng Việt ở đâu vậy ạ?
Các bạn có thể tìm mua tại Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) nhé. Sorry trả lời chậm các bạn.
Bài viết hay, hữu ích. Vui lòng hướng dẫn cách mua bản tiếng Anh từ Fidic.org hoặc quyền sử dụng ( trong 1 năm hoặc in nhiều lần) . TRân trọng cám ơn!