MỤC LỤC
Thời hạn hiệu lực của Nghị định 68/2019/NĐ-CP :
Ngày 14 tháng 8 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Sau đây sẽ gọi tắt là Nghị định 68/2019. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2019. Trong thời gian chuyển tiếp, tại điều 36 của Nghị định 68/2019 đã có quy định và hướng dẫn cụ thể.
Theo khoản 2, Điều 37 của Nghị định, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Các nội dung hướng dẫn rất nhiều nên phải sau 4 tháng kể từ khi Nghị định 68/2019 ban hành và sau 2 tháng có hiệu lực các Thông tư hướng dẫn mới chính thức ban hành.
Thời hạn hiệu lực của các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2019/NĐ-CP
Nếu tính đến thời gian hiệu lực: Toàn bộ 10 Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020 thì sau đúng 6 tháng kể từ khi NĐ 68/2019 ban hành mới có đầy đủ các văn bản cấp dưới là Thông tư hướng dẫn.
Ngày 26 tháng 12 năm 2019, Bộ Xây dựng đã ban hành 10 Thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2019. Các Thông tư gồm có:
- Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
- Thông tư 10/2019/TT-BXD về định mức xây dựng;
- Thông tư 11/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng;
- Thông tư 12/2019/TT-BXD hướng dẫn xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng;
- Thông tư 13/2019/TT-BXD quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
- Thông tư 14/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định, quản lý chỉ số giá xây dựng;
- Thông tư 15/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng;
- Thông tư 16/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;
- Thông tư 17/2019/TT-BXD hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình;
- Thông tư 18/2019/TT-BXD hướng dẫn quy đổi vốn đầu tư xây dựng.
Một nhận xét nhanh là hiện tại, cấp văn bản hướng dẫn thấp nhất là Thông tư của Bộ Xây dựng. Nó khác với trước đây là còn thêm một cấp là cấp Quyết định. Ví dụ như xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng là theo Thông tư 16/2019/TT-BXD chứ không phải là Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng như trước đây là Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 về việc công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Có thể nói, Thông tư 16/2019/TT-BXD là bản nâng cấp của Quyết định 79/QĐ-BXD cho phù hợp với các văn bản mới.
Xử lý chuyển tiếp:
Quy định trong Nghị định 68/2019/NĐ-CP:
Được Quy định tại Điều 36: Quy định chuyển tiếp. Trong đó
“1. Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực và đang triển khai thì tiếp tục thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng (bao gồm cả việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán xây dựng) theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP “
“2. Dự án đầu tư xây dựng đã lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt, hoặc đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thì các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định này”
Việc áp dụng thực tế:
Như trên đã đề cập, thời hạn hiệu lực của Nghị định 68 từ 1/10/2019 và các thông tư hướng dẫn là từ 15/2/2020 có khoảng cách là 4 tháng nên nếu các dự án chưa được phê duyệt sau ngày 15/2/2020 sẽ có khả năng phải thực hiện lại việc lập và xác định chi phí theo các Thông tư hướng dẫn mới. Việc này sẽ làm kéo dài thời gian lập, thẩm tra, thẩm định lại hồ sơ và cũng sẽ làm chậm việc Phê duyệt dự án.
Cập nhật (30/4/2020): theo thông tin chưa chính thức, có thể sẽ lùi thời điểm áp dụng Nghị định 68/2019/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đến hết năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin chính thức.